Tin tức

15

12-2021

Hai tỉnh bùng nổ dự án điện gió, điện mặt trời tăng trưởng bứt phá, dự kiến hút trăm nghìn tỷ vốn đầu tư

Ninh Thuận và Bình Thuận có điểm chung là cùng ghi nhận sự phát triển rất nhanh của các dự án điện gió, điện mặt trời. Với lợi thế về năng lượng tái tạo, cả hai tỉnh cũng đang đặt những mục tiêu cao hơn để tận dụng lợi thế, đẩy mạnh kinh tế.

136_19

Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) phát triển bùng nổ thời gian qua. (Ảnh: Trung Nam Group)

Hai năm tăng trưởng đột phá nhờ năng lượng tái tạo

Ninh Thuận, Bình Thuận - hai tỉnh giáp nhau, thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và thú vị cũng là hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) phát triển bùng nổ thời gian qua, đặc biệt trong hai năm 2019-2020.

Với Ninh Thuận, riêng năm 2020 có 42 dự án năng lượng đã hòa lưới điện (3 dự án điện gió, 32 dự án mặt trời, 7 dự án thủy điện).

Còn Bình Thuận riêng trong hai năm 2018 và 2019 đã tập trung đầu tư hoàn thành 21 nhà máy điện mặt trời, tổng vốn đầu tư khoảng 25.059 tỷ đồng.

136_20

Điểm qua một số chỉ số kinh tế của cả hai tỉnh trong từ 2015 đến nay, tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận có phần nổi bật hơn. Trong hai năm 2019 và 2020, Ninh Thuận đạt mức tăng trưởng khá với mức lần lượt là 13,9% và 10,02%. Năm nay, ước tính kinh tế Ninh Thuận tăng 9%. Trong khi đó, Bình Thuận vừa công bố tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 2,77%.

Nhìn vào tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), hai tỉnh này cũng có điểm chung thú vị là cùng nhau tăng trưởng rất cao vào năm 2019. Năm 2020 khi bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp của Ninh Thuận vẫn ấn tượng ở mức tăng 39,43% còn Bình Thuận đạt mức khiêm tốn hơn là 12,6%. Đây cũng là hai năm mà cả Ninh Thuận và Bình Thuận ghi nhận sự phát triển rất nhanh của các dự án điện mặt trời.

Năm nay, Ninh Thuận ước tính chỉ số IIP tăng 29,7% - mức khá cao và nhiều khả năng lọt nhóm cao nhất nước.

Về thu hút FDI, thứ hạng cao nhất từ 2015 đến nay mà Ninh Thuận có được là vào năm 2018. Tỉnh này khi đó thu hút hơn 401 triệu USD vốn FDI, xếp thứ 18. Còn Bình Thuận từng xếp thứ 27 cả nước năm 2019 với hơn 180 triệu USD vốn FDI.

Giai đoạn 5 năm tới, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng GRDP đạt 10-15%/ năm. Đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41-42% GRDP của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 100.000 – 150.000 tỷ đồng. Còn Bình Thuận đặt chỉ tiêu tốc độ tăng GRDP đạt 7-7,5%/ năm. Thu hút tổng vốn đầu tư xã hội so với GRDP chiếm 43-47%.

136_21

136_22

Bình Thuận nổi bật với dự án điện gió ngoài khơi chục tỷ USD, Ninh Thuận hướng tới là Trung tâm Năng lượng tái tạo

Nói về thế mạnh chung của cả hai tỉnh là phát triển năng lượng tái tạo, theo dự thảo quy hoạch điện VIII, hệ thống điện dự kiến được chia thành 6 vùng.

Trong đó, khu vực Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là khu vực dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Mới đây, cả hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII lần lượt hơn 25.300 MW và 42.595 MW. Phần lớn nguồn điện năng lượng tái tạo mà hai địa phương này xin bổ sung vào quy hoạch là điện gió ngoài khơi với những dự án rất lớn, như tại Bình Thuận là các dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind 3.400 MW; La Gàn 3.500 MW, Tuy Phong 4.600 MW, Bình Thuận 5.000 MW.

Còn tỉnh Ninh Thuận muốn bổ sung gần 1.900 MW điện gió trên bờ, 4.400 MW điện gió gần bờ, và 21.000 điện gió ngoài khơi vào quy hoạch điện VIII.

136_23

Hai tỉnh đều có thế mạnh để phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: Khải An).

Theo ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, đến nay, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án điện mặt trời với công suất 2.576,8 MW, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 68.064 tỷ đồng. Trong đó, đến cuối tháng 6/2021 có 32 dự án đã chính thức công nhận vận hành thương mại với tổng công suất 2.256,8 MW, vốn đầu tư khoảng 60.856 tỷ đồng.

Dự kiến 6 tháng cuối năm tiếp tục có ba dự án điện mặt trời với tổng công suất 200 MW, vốn đầu tư 4.845 tỷ đồng được đấu nối vào lưới điện.

Về điện gió, Ninh Thuận đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 34.179 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2021 có ba dự án đã chính thức công nhận vận hành thương mại với tổng công suất 229 MW, vốn đầu tư khoảng 8.445 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng cuối năm tiếp tục có 8 dự án điện gió với tổng công suất 437 MW, vốn đầu tư 15.504 tỷ đồng được đấu nối vào lưới điện.

Với Bình Thuận, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh này cho hay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án điện gió đã được Thủ tướng phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh. Trong đó có 14 dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Về các dự án điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 98 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch; trong đó có 26 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự kiến đến hết năm tiếp tục có 8 dự án điện gió với tổng công suất 437 MW, vốn đầu tư 15.504 tỷ đồng được đấu nối vào lưới điện.

Dù chưa bằng Ninh Thuận khi so sánh về số lượng dự án, nhưng Bình Thuận lại sở hữu hai dự án điện gió ngoài khơi chục tỷ USD là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4 GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỷ USD (khoảng 274.000 tỷ đồng).

Dự án thứ hai là điện gió ngoài khơi La Gàn - liên doanh giữa Công ty cổ phần năng Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch), công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỷ USD (khoảng 242.000 tỷ đồng).

Ninh Thuận dự kiến đầu tư mạnh vào điện và năng lượng

Trong dự thảo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định công nghiệp năng lượng là khâu đột phá, trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là năng lượng sạch: điện mặt trời, điện gió, thủy điện; điện khí hóa lỏng (LNG).

Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.

Dự kiến quy hoạch phát triển ngành năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 sẽ đạt khoảng: 23441.23 MW, trong đó: điện mặt trời (áp mái, mặt đất, mặt nước): 9048 MW; điện gió (đất liền, ngoài khơi): 5800 MW; thủy điện (thuỷ điện nhỏ-vừa, tích năng): 2534.8 MW; năng lượng khác (điện sinh khối, điện khí hoá lỏng LNG): 6058.43 MW.

Cũng theo dự thảo, chi phí tổng vốn đầu tư vào tỉnh này giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 212.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư tập trung nhiều nhất ở ngành điện và năng lượng; du lịch; khu, cụm công nghiệp.

 

136_25

Nói riêng về lĩnh vực hạ tầng giao thông, giai đoạn tới, Ninh Thuận dự kiến làm các dự án nổi bật như:

- Đường vành đai phía bắc tỉnh Ninh Thuận dài 27,7 km, tổng mức đầu tư hơn 650 tỷ đồng.

- Đường vành đai phía đông nam từ đường tỉnh 703 đến đường tỉnh 701 dài hơn 10 km, tổng mức đầu tư hơn 517 tỷ đồng.

- Đường vành đai phía đông nam đoạn từ Quốc lộ 27 đến đường tỉnh 703 dài 10,38 km, tổng mức đầu tư hơn 510 tỷ đồng.

- Đường Văn Lâm – Sơn Hải dài 13 km hơn 370 tỷ đồng.

- Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng dài 61.45 km 1.490 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 67 dự án, đáng chú ý có các dự án như KĐT mới Đầm Cà Ná, xã Phước Diêm (64,87 ha, Thuận Nam) mức đầu tư khoảng 3.532 tỷ đồng; KĐT mới trung tâm thị trấn Tân Sơn (26,7 ha, Ninh Sơn) 1.000 tỷ đồng; KĐT mới bờ Đông Sông Ông, thị trấn Tân Sơn (29,5 ha, Ninh Sơn) 2.000 tỷ đồng; KĐT mới bờ Sông Dinh (37,39 ha, TP Phan Rang - Tháp Chàm) 3.000 tỷ đồng; KĐT mới Tây Bắc (91,37 ha, TP Phan Rang - Tháp Chàm) 1.477 tỷ đồng.

136_26

Thị xã La Gi, Bình Thuận. (Ảnh: PLO).

Về Bình Thuận, tỉnh chưa công bố dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia: Trung tâm năng lượng; trung tâm du lịch – thể thao biển; trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan.

Về các dự án đầu tư công, riêng trong năm 2022, tỉnh tập trung làm 9 công trình trọng điểm gồm: Dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm); Dự án Cảng Hàng không Phan Thiết; Dự án Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận; Dự án Làm mới đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện (La Gi).

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam; Dự án Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; Dự án Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá Phú Quý giai đoạn 2; dự án Cầu Văn Thánh (Phan Thiết).

Nguồn: vietnambiz.vn

 

Quay lại