Tin tức

17

10-2024

HÀNH TRÌNH ĐẶC BIỆT: TỪ CÔNG XƯỞNG ĐẾN NHÀ BẾP

“Cơm cô Quý” – những bữa cơm “ngon như cơm nhà” được nấu bởi đôi bàn tay khéo léo và trái tim tận tâm của cô Dương Thị Quý – nhân viên cấp dưỡng không biết từ bao giờ đã trở nên thân thuộc với mỗi người làm việc tại Khối Văn phòng SCI Group. Câu hỏi "Hôm nay cô Quý nấu món gì?" đã trở thành câu cửa miệng mỗi khi giờ ăn đến gần, và câu trả lời luôn là sự bất ngờ thú vị. Ai nấy đều háo hức chờ đón bữa ăn ngon miệng được sửa soạn thành từng mâm tươm tất, chỉn chu, cùng nhau quây quần, vừa thưởng thức đồ ăn, vừa rôm rả chuyện trò như một gia đình.

Tiếp nối chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng “vào bếp SCI”, trò chuyện với cô đầu bếp vô cùng hóm hỉnh và khám phá hành trình đằng sau bếp cơm ấy cùng chúng tôi.

Năm 1993, cô Quý trở thành người công nhân tiện tại xưởng sửa chữa cơ khí của Công ty xây lắp cơ giới Sông Đà 9 (tiền thân của Công ty Cổ phần SCI ngày nay). Tốt nghiệp Trung cấp ngành Cơ khí chế tạo, cộng thêm tính cách tỉ mỉ, cẩn thận, cô được phân công đứng máy để gọt giũa các khối sắt thô ráp thành các sản phẩm nhẵn nhụi, sáng bóng. Thời điểm đó, cô gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với chú Phùng Khắc Minh – thợ hàn, người cùng công tác tại dự án Nhà máy thủy điện Yaly. Năm 1994, đám cưới được tổ chức ngay tại công trường, tuy đơn giản nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười của đôi lứa và lời chúc phúc từ tất cả anh chị em bạn bè, đồng nghiệp.

Cô Dương Thị Quý hạnh phúc bên chồng trong chuyến du lịch hè tại đảo Hải Nam, Trung Quốc của Công ty Cổ phần SCI E&C

Năm 1995, gia đình cô hạnh phúc đón cậu con trai đầu long Phùng Khắc Thắng giữa bạt ngàn núi rừng cùng dòng thác Yaly. Và chỉ 4 năm sau, niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi cô sinh đôi 2 con gái Phùng Thị Phương Thủy và Phùng Thị Phương Thanh. Năm 2000, cô Quý lại tiếp tục di chuyển đến công trường thủy điện Sê San. Do các con còn nhỏ, cô đành gửi con về quê với bà ngoại tại Thái Bình. Năm 2004, khi công trường thủy điện Sê San gần hoàn thành, cô xin chuyển công tác về Xưởng Sửa chữa cơ khí Chương Mỹ, Hà Nội để có điều kiện ở gần chăm sóc bọn trẻ.

Sau khi công ty cổ phần hóa, được sự động viên, tin tưởng của Ban lãnh đạo, cô Quý từ người công nhân tiện chuyển sang làm nhân viên cấp dưỡng. Thuở đầu, cô rất lo lắng vì chưa có kinh nghiệm nấu ăn phục vụ đông người, nhưng sau khi được mọi người ủng hộ, cô đã trở nên tự tin hơn, cho ra đời những bữa ăn chất lượng, gây “thương nhớ” bởi sự chỉn chu, thơm ngon. Thực đơn cũng được thay đổi thường xuyên, đa dạng để đáp ứng khẩu vị và giúp đảm bảo sức khỏe cho nhân sự công ty. Nhiều nhân sự sau thời gian thử việc tại Văn phòng đã tăng liền vài cân nhờ ăn cơm cô nấu. Từ căn bếp nhỏ với 5 - 7 mâm cơm ban đầu, giờ đây bếp cô Quý đã phục vụ hơn 80 nhân sự các đơn vị thuộc Khối Văn phòng SCI Group mỗi ngày.

Một ngày làm việc của cô Quý thường bắt đầu từ 3h30 sáng. Trong khi nhiều người còn đang say giấc, cô đã rời giường để đi chợ chọn mua những thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, tươi ngon nhất. Khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi vào căn bếp nhỏ, với đôi tay thoăn thoắt, cô tỉ mỉ chuẩn bị từng nguyên liệu, làm ra những món ăn tuy thân thuộc nhưng không kém phần hấp dẫn với hương vị “chuẩn cơm mẹ nấu”. Sau giờ cơm trưa, cô lại cẩn thận rửa từng chiếc bát, đôi đũa, vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp ăn rồi mới ra về. Vất vả là thế, nhưng niềm vui tạo ra không khí đầm ấm bên mâm cơm như gia đình cho mọi người giúp cô có thêm động lực gắn bó với nghề.

Đặc biệt, cô còn trồng thêm một vườn rau sạch tại nhà để phục vụ bữa ăn cải thiện vào mỗi thứ 6 hàng tuần cho cán bộ văn phòng. Vườn rau tuy nhỏ nhưng được chăm chút kĩ lưỡng, chia luống gọn gàng với nào rau thơm, dưa leo, cải xanh,… mùa nào thức nấy góp phần tạo nên những bữa ăn ngon miệng, thêm an toàn vệ sinh.

Ở tuổi 57 với hơn 10 năm kinh nghiệm làm cấp dưỡng, cô vẫn đăng ký tham gia khóa học tại Trung tâm đào tạo đầu bếp, không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức để tiếp tục nâng cao tay nghề. Qua mỗi buổi học, cô biết thêm nhiều cách kết hợp nguyên liệu độc đáo, cách trình bày món ăn sao cho hấp dẫn, đẹp mắt, từ đó làm phong phú thêm thực đơn hàng ngày. Mỗi món ăn cô làm ra chứa đựng cả tâm huyết và tình yêu của cô dành cho nghề. Chính vì vậy, những bữa cơm của cô luôn được mọi người đón nhận nồng nhiệt.

Cô Quý tự tay bày biện những món ăn nóng hổi trước giờ cơm trưa tại Văn phòng

Cô Dương Thị Quý đã trở thành một tấm gương sáng về sự tận tâm, hết mình với công việc. Đằng sau bóng hình nhỏ bé ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sẵn sàng đối diện với mọi thử thách, tích cực thay đổi để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình dù ở bất cứ độ tuổi nào. Hành trình từ công xưởng đến nhà bếp của cô đã truyền cảm hứng cho những thế hệ trẻ về khả năng thay đổi, hoàn thiện bản thân và khám phá những tiềm năng vô hạn bên trong mỗi người. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin được kính chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết trong công việc!

Quay lại