Tin tức

14

10-2024

“Bông hồng” trưởng ca vận hành và cái duyên với ngành Điện

Thân hình mảnh mai, bé nhỏ, nước da trắng, mới gặp lần đầu, thật khó có thể hình dung cô bé Lò Thị Yến sinh năm 2001 lại là một trưởng ca vận hành xuất sắc của Nhà máy thủy điện Nậm Xe - một công việc vốn đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, sự tập trung cao độ, căng thẳng, áp lực, có vẻ như phù hợp hơn với cánh mày râu.

Gặp cô bé ấy trong một chuyến lên công tác tại Cụm dự án Lai Châu, nụ cười em e thẹn trong bộ trang phục đời thường khi cùng anh em dự án ra đón cả đoàn công ty lên công tác, khiến tôi cứ ngỡ em là người yêu của một cậu vận hành nào đó đến chơi. Khi ngồi uống nước được giới thiệu, tôi mới vỡ lẽ đây là cô bé Yến mà ở dưới văn phòng tôi đã được nghe mọi người kể. Cùng nhau chung tay nấu bữa cơm tối tại nhà vận hành của dự án Nậm Xe, tôi lại được hiểu thêm về em nhiều điều.

Cô bé Yến tâm sự: “Em sinh vốn sinh ra trên mảnh đất Lai Châu - là cái nôi của các công trình thủy điện nên từ nhỏ được nhìn thấy những người thợ chung tay ngăn sông, hối hả làm việc tạo ra những công trình, những con đập sản sinh ra dòng điện sáng cho bản làng. Thêm mỗi câu chuyện nhỏ về người làm điện mà bố em kể, cứ dần in sâu vào tiềm thức của em, lúc bé em chỉ có một mơ ước sau này sẽ được làm việc trong ngành Điện”.

Lò Thị Yến - cô bé người dân tộc Thái kể: “Em đến với ngành Điện thật sự là một cái duyên rất lớn, vì dù hồi bé rất thích lớn lên được như các cô các bác làm ngành Điện, nhưng khi học xong lớp 12, có lẽ do hoàn cảnh và cũng nghe theo các bạn đồng trang lứa rủ, em lại chủ động chọn con đường học tập khác. Tốt nghiệp xong cấp 3 em thi đỗ vào học tiếng Trung ở khoa Quốc tế - Trường Đại học Thái Nguyên, nhưng sau 2 tháng học cùng các bạn, em nhận ra niềm đam mê thực sự của tuổi trẻ và những ước mơ cháy bỏng trong tiềm thức trỗi dậy, em đã quyết định thay đổi định hướng cuộc đời em: Xuống Hà Nội, với học bạ cùng những điểm số cao, em được xét tuyển thẳng vào trường Cao đẳng Điện lực Miền Bắc. Em nhớ lúc đó bố mẹ em đã rất lo lắng với vóc dáng nhỏ bé của em, lại là con gái nữa, ai lại đi học ngành Điện bao giờ? Nhưng với sự thuyết phục của em, bố mẹ hiểu, tin tưởng và đã ủng hộ em đi theo con đường mình lựa chọn”. Nghe đến đây, tôi thấy thật khâm phục cô bé này, vì không phải trước ngưỡng cửa cuộc đời ai cũng dám lựa chọn mạnh mẽ bước đi theo con đường riêng như vậy.

Tháng 02/2022, học xong ở Trường Cao đẳng Điện lực Miền Bắc, Yến rất muốn về bản cống hiến cho sự phát triển của quê hương. Cùng thời điểm đó, Công ty Cổ phần SCI Lai Châu đang tuyển dụng nhân sự vận hành cho các dự án Nậm Lụm 1, Nậm Lụm 2, và Nậm Xe đang hoàn thiện nốt giai đoạn cuối để chuẩn bị phát điện. Yến đã nộp hồ sơ vào Công ty và trải qua khóa đào tạo Vận hành với những bài thi gắt gao, Yến được chính thức là nhân viên vận hành lưới điện của đơn vị trong niềm vui và tự hào của gia đình. Không dừng lại ở chức danh nhân viên vận hành, là nhân viên vận hành xuất sắc nên Yến được công ty cử đi thi Trưởng ca vận hành tại Trung tâm điều độ hệ thống điện Miền Bắc. Sau những ngày ôn thi vất vả, mang theo những kiến thức, kinh nghiệm đã được học và thực hành tại nhà máy, vượt qua hàng trăm những người đồng nghiệp khác, cô gái Thái xinh xắn đã có cho mình chứng chỉ Trưởng ca vận hành - Một chứng chỉ mà không dễ dàng để có được.

Lò Thị Yến – Trưởng ca vận hành tại Nhà máy Nậm Xe

Vừa nghe em kể chuyện, hai chị em vừa nhặt rau, nhìn bàn tay xinh xắn thoăn thoắt của em, tôi nghĩ, đây chắc hẳn là một cô bé rất đảm đang việc nhà. Tôi được biết thêm về gia đình em với ánh mắt tự hào xen lẫn niềm vui. “Em cũng may mắn lắm chị ạ, được sinh ra trong gia đình đủ đầy sự yêu thương, dù ở vùng dân tộc còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ luôn động viên em cố gắng học hành để sau này có cuộc sống tốt và giúp ích được cho xã hội, bản làng, bố mẹ chính là tấm gương cho em noi theo. Thế hệ bố mẹ em cũng rất khó khăn nhưng bố đã lựa chọn con đường học tập sau này bố trở thành cán bộ xã, anh trai em cũng nối nghiệp bố học tập xong cũng về xã để cống hiến sức mình để xây dựng quê hương. Mẹ em rất đảm đang việc nhà, đặc biệt mẹ nấu ăn rất ngon, nên được các anh Lãnh đạo nhà máy tuyển vào làm cấp dưỡng cho đơn vị mình nè chị. Được ở gần gia đình, em vui lắm chị ạ”. Ánh mắt em hướng sang nhìn mẹ đầy yêu thương, trìu mến.

Chợt nghĩ đến lời đồng nghiệp từng kể: “Là “bông hoa” duy nhất trong đội dù kinh nghiệm “bám lưới” còn ít ỏi, nhưng với tinh thần, sự hăng hái, trách nhiệm của mình, công việc của Yến cũng “nặng” chẳng khác gì những nam đồng nghiệp”. Tôi hỏi em về công việc hiện tại và niềm đam mê với công việc của em. Em trải lòng: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, em rất lo lắng bởi mình phụ nữ chân yếu tay mềm, chẳng biết có làm được công việc nặng nhọc, vất vả như nam giới không. Nhưng nhờ có sự động viên của lãnh đạo đơn vị, sự hỗ trợ, kèm cặp của anh em, em dần thành thạo với công việc của người quản lý vận hành, từ nghiệp vụ ghi chỉ số, thay thế công tơ định kỳ, thực hiện chỉnh trang 5S, phát quang hành lang,… em đều tham gia, chinh chiến cùng anh em trong đội”.

“Công việc rất căng thẳng, nhất là khi thời tiết xấu, thời điểm lễ tết,... lưới điện rất dễ bị sự cố. Để đảm bảo vận hành lưới điện thông suốt, an toàn, các trưởng ca phải tập trung cao độ, mắt "dán" vào màn hình sơ đồ điện theo dõi diễn biến các phụ tải” – Em Yến bộc bạch và cho biết thêm: “Mọi thông số đều được các trưởng ca trực phân tích, phán đoán nhanh điểm sự cố, điều hành ca kíp, vận hành máy móc một cách thuần thục, khoanh vùng chỉ huy khắc phục và cấp điện trở lại một cách nhanh nhất. Đối với trưởng ca vận hành, tuyệt nhiên không được phép sơ suất, mỗi sơ suất nhỏ, mỗi mệnh lệnh sai dù chỉ là 1 lần, đều có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người, làm hư hỏng tài sản, thiết bị điện của đơn vị và lưới điện chung.”

Lò Thị Yến – Trực ca cùng đồng nghiệp

Ngoài những lúc ca trực làm Trưởng ca trực tại phòng máy em vẫn đi trực ca như các anh em khác trong đội. Công việc trực ca vận hành không theo giờ giấc hành chính mà phải tuân thủ chế độ ca, kíp rất nghiêm ngặt. Một ngày chia làm 2 ca, ca sáng bắt đầu lúc 7 giờ, ca đêm từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Cứ đến lịch trực, dù nắng, mưa, hay bão lũ… nữ vận hành lại khoác lên mình bộ đồng phục SCI lên đường. Đặc biệt, làm công việc này phải nắm chắc kiến thức về thiết bị và hệ thống vận hành của trạm, đồng thời phải chủ động, nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi tình huống. Trong trường hợp các thiết bị, máy móc gặp sự cố phát nhiệt, máy cắt nhảy, đèn còi báo tín hiệu chạm đất,… người trực phải nhanh nhạy nắm bắt tình hình để đưa ra phương án, giải pháp xử lý kịp thời. Không chỉ vậy, nữ vận hành cũng sẵn sàng trèo cao để vệ sinh, đóng/cắt thiết bị, máy móc khi có yêu cầu, hiệu lệnh. “Mỗi dịp Tết đến, xuân về, thấy những phụ nữ khác xúng xính váy áo đi chơi bên người thân, Em bận trực ca vận hành mang bộ quần áo bảo hộ đôi lúc vẫn cảm thấy chạnh lòng. Vẫn biết công việc này vất vả và nguy hiểm, chẳng nhẹ nhàng đối với phụ nữ, nhưng rồi vì công việc, vì tình yêu với nghề nên dần dần cũng thành quen chị ạ. Lúc mới đi làm, mỗi lần có sự cố xảy ra em hay cuống cuồng, mất bình tĩnh, nhất là khi nghe tiếng máy kêu rầm rầm, tiếng động cơ rung giật, khói bay mù mịt… là em giật thót tim. Nhưng rồi, gắn bó và vận hành thiết bị, giờ lại thấy nghiền tiếng ầm ầm, rì rì của máy luôn”.

Cô bé Yến cười: “Nghĩ đến công nhân vận hành nhà máy và trạm biến áp thì ai cũng nghĩ nghề này chỉ dành cho cánh mày râu, kể cả bản thân em khi đôi khi các anh vẫn trêu Em Yến giờ như một người đàn ông rồi”.

Anh Sang - Giám đốc nhà máy Nậm Xe chia sẻ: “Cá nhân tôi rất khâm phục bé Yến, nhìn cô bé nhỏ nhắn nhưng khi làm việc là một người điều hành hiệu lệnh rất chính xác và giải quyết rất nhanh các vấn đề xảy ra tại nhà máy. Công việc bận rộn, vất vả là thế nhưng tôi nhận thấy lúc nào em cũng nở nụ cười trên môi”.

Tôi hỏi em: Thế công việc bận và vất vả vậy, em sắp xếp như thế nào cho niềm đam mê hay sở thích của cá nhân? Cô bé chia sẻ là em có một đam mê là được đi du lịch nhiều nơi để mở mang kiến thức và tận hưởng những nét đặc sắc của đất nước, con người muôn phương. Tranh thủ những lúc không trực ca, cô bé ấy lại cùng bạn bè đi tới những vùng cảnh đẹp ở địa phương lận cận để tận hưởng không khí của thiên nhiên và lưu giữ lại những bức ảnh đẹp tuổi thanh xuân.

Lưu giữ khoảnh khắc Thanh xuân của Lò Thị Yến

Hỏi nhỏ cô bé: “Thế xinh xắn thế này, chắc anh người yêu phải giữ lắm ý?” Em tủm tỉm cười: “Toàn em giữ anh ấy chị ơi. Người yêu em cũng cùng ngành Điện đó chị ạ, cùng làm Trưởng ca nhà máy điện ở Lai Châu nên chúng em hiểu nhau lắm, cũng thông cảm cho nhau những lúc bận đi ca”. Nét cười dịu dàng ánh lên trong ánh mắt hạnh phúc của em. Em thủ thỉ: “ Mà 2 tháng nữa em cưới, em sẽ gửi giấy mời, chị nhớ lên tham dự với chúng em cho vui chị nhé”. Thật vui vì được em chia sẻ điều này vì biết rằng Em đã tìm được một tình yêu đích thực và bến đỗ của cuộc đời mình. Mong cho em luôn hạnh phúc và mãi giữ vững tình yêu với ngành Điện như thời thơ bé.

Quay lại