News

07

02-2022

Năng lượng Việt Nam vượt khó, sẵn sàng phục hồi sau đại dịch

Trong năm 2021, các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dù ngành năng lượng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng nhưng đã vượt qua được khó khăn và sẵn sàng cho phục hồi sau đại dịch. Dưới đây là tổng hợp của Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Dầu khí:

Đầu năm 2021, giá dầu vẫn chưa khôi phục sau đợt xuống dốc của năm trước. Dầu khí lúc đó chưa thấy triển vọng tăng trưởng. Nhưng nửa cuối năm thế giới chứng kiến giá dầu tăng do khôi phục sau đại dịch.

Ngành khai thác dầu khí chuyển sang tăng trưởng nhờ đã có sự chuẩn bị đón đầu xu thế tăng giá. Cuối năm 2021, ngay trước dịp kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã về đích trước 39 ngày về chỉ tiêu khai thác dầu thô trong và ngoài nước, đạt 10,97 triệu tấn (vượt 1,25 triệu tấn so với kế hoạch). Nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kết hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch. Lợi nhập trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 45 nghìn tỷ đồng, vượt 260% kế hoạch. Sản xuất đạm, xăng dầu, các sản phẩm dầu khí khác cũng bám sát kế hoạch, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) về đích sớm 19 ngày với sản lượng khai thác từ lô 090-1 đạt 2,865 triệu tấn dầu, năm 2021 sẽ đạt 3,023 triệu tấn, bằng 105,5% kế hoạch. Tổng công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP) về đích sớm 15 ngày với sản lượng 3,37 triệu tấn quy dầu, trong khi đứng về mặt doanh thu PVEP đã về đích sớm 130 ngày.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hoàn thành tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vào cuối năm 2021 và dự tính sẽ hoàn thành tổ máy số 2 vào đầu năm 2022, đóng góp nguồn điện lớn và ổn định cho hệ thống điện Việt Nam.

Công trình Nhiệt điện Thái Bình 2 sau nhiều năm khó khăn nay đã có kế hoạch phát điện vào năm 2022. Nhiệt điện Long Phú 1 vẫn chưa tìm ra giải pháp hoàn thành dự án dù hai bên đã đàm phán ở Nga (tháng 10/2021) và thỏa thuận lập ra một tổ giải quyết công việc. Khó có thể hy vọng Mỹ bỏ cấm vận Nga trong vòng 2 - 3 năm tới nên dự án Nhiệt điện Long Phú 1 vẫn hầu như không tìm được giải pháp để hoàn thành.

Lĩnh vực bán xăng dầu vẫn gặp khó khăn do Covid-19 làm giảm các hoạt động dịch vụ trong nước (du lịch và hàng không). Tuy vậy, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã đạt được các chỉ tiêu tài chính khả quan. Ước thực hiện cả năm 2021, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt 55.000 tỷ đồng, hoàn thành 98,7% kế hoạch năm, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ba dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn của Bộ Công Thương.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nắm bắt cơ hội của năng lượng tái tạo theo xu thế chung của các công ty năng lượng trên thế giới. PetroVietnam đã bắt đầu nghiên cứu các dự án năng lượng gió ngoài khơi kết hợp với sản xuất hydro xanh. Tập đoàn đã có kinh nghiệm về sản xuất hydro ở các dự án như: Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).

Vietsovpetro tham gia vào dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam là Thang Long Wind. Dự án đã bắt đầu đo gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận. Ngành dầu khí cũng nắm một lợi thế trong việc cắt giảm phát thải khí CO2 nhờ tiềm năng sử dụng các mỏ dầu khí cũ để chôn khí CO2. Tiềm năng chôn CO2 đang được PetroVietnam nghiên cứu nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải carbon.

Điện lực:

Tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện quốc gia cuối năm 2021 đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện nay đứng đầu khu vực ASEAN về công suất lắp đặt. Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo phi thủy điện là 20.670 MW và chiếm tỷ trọng 27%. Điện thương phẩm toàn hệ thống đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với 2020.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong năm 2021 toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 3,9% so với năm 2020, khá khiêm tốn so với thời kỳ trước Covid-19, đạt 256,7 tỷ kWh. Đa dạng nguồn đầu tư vào phát điện đã đem lại thành quả, điện sản xuất của riêng EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) chỉ còn chiếm 48,56% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Tiếp sau đợt về đích ồ ạt của năng lượng mặt trời, năm 2021 ngành điện lại chứng kiến sự về đích ồ ạt của điện gió. Trong số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, có 84 dự án đã kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 với tổng công suất 3,299 MW. Như vậy tổng công suất điện gió của cả nước đến thời điểm cuối năm 2021 đạt 3.980 MW, là nguồn bổ sung đáng kể cho hệ thống điện. Các dự án này được đưa vào vận hành nhưng không có nghĩa là được phát hết công suất mà chịu sự điều tiết của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Tổng công suất đặt của điện gió thấp hơn tổng của điện mặt trời trang trại và mái nhà (16.000 MW) nhưng điện gió có thể phát điện vào cả lúc trời tối nên có ưu thế hơn.

Điện rác được coi là nguồn năng lượng tái tạo mặc dù công suất điện thấp nhưng có doanh thu chính từ xử lý rác. Điện rác Cần Thơ công suất 7,5 MW, năm 2021 tiếp tục gặp vấn đề lượng tro bay tồn tại quá lớn, không còn chỗ chứa, không có công ty nào dám xin về làm nguồn vật liệu theo kịch bản kinh tế tuần hoàn. Dự án điện rác Nam Sơn lớn nhất cả nước tại Hà Nội với hy vọng xử lý 4.000 tấn rác/ngày, phát 75 MW điện, đã lỗi hẹn trong năm 2021, đành phải chờ 2022.

Năng lượng tái tạo phi thủy điện từ chỗ hầu như không có gì nay đã đạt 12,3% tổng sản lượng điện sản xuất ra, trong đó điện mặt trời đạt 27,84 tỷ kWh, điện gió đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021. Thủy điện chiếm 30,6% tổng sản lượng điện. Như vậy, tổng năng lượng phi hóa thạch bao gồm điện gió, mặt trời, sinh khối và thủy điện của Việt Nam chiếm 42,9% tổng sản lượng điện, một tỷ lệ tương đối cao so với nhiều nước trên thế giới. Để so sánh, ta lấy tỷ lệ này ở Đức năm 2021 là 45,8% mặc dù công suất đặt của NLTT bằng 136 GW, gần gấp đôi năng lượng hóa thạch 79 GW.

Năm 2021 tiếp tục đánh dấu công cuộc chuyển đổi số trong Tập đoàn EVN. Nhờ áp dụng tốt các sản phẩm kỹ thuật số như hệ thống SCADA/EMS, phần mềm mô phỏng OpenOTS, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã có thể vận hành hệ thống điện hết sức linh hoạt để tận dụng tối đa công suất của các nguồn điện không ổn định như điện mặt trời và điện gió. Đến hết tháng 11 năm 2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 81,45%. EVN tăng cường giải quyết yêu cầu của khách hàng qua kênh internet (Cổng DVCQG, website CSKH, App CSKH, Zalo…). Số lượng yêu cầu tiếp nhận và giải quyết online chiếm 45,60% yêu cầu dịch vụ điện.

Những ngày cuối năm 2021 cũng chứng kiến ngành điện đấu nối đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) vào lưới truyền tải điện. Đợt nắng nóng ở miền Bắc dẫn tới thiếu điện cục bộ và việc dư thừa điện ở miền Trung cho thấy nhu cầu truyền tải điện cao thế liên vùng hết sức quan trọng. Hiện tại, việc thi công đường dây điện cao thế luôn bị vướng giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ. Chính phủ đang thí điểm cho tư nhân đầu tư đường dây truyền tải điện để giải tỏa công suất phát của các dự án mới.

Việc đưa một loạt nguồn mặt trời và gió vào vận hành cũng tạo nên sự khác biệt trong năm 2021 cho các nguồn nhiệt điện cũng như thủy điện. Nhiệt điện than và khí phải dừng lò rồi khởi động lại nhiều hơn hàng chục lần so với những năm trước đó, gây ra chi phí cao cho công tác vận hành nhà máy. Thủy điện phải thay đổi thời gian phát điện để "nhường sân" cho điện mặt trời phát vào giờ cao điểm ban ngày.

Năm Covid thứ hai cũng đặt ra nhiều khó khăn với ngành điện và sẽ kéo dài tiếp sang năm 2022. Các dự án điện khí LNG được đề xuất rất nhiều nhưng chưa dự án nào thực sự đi vào thi công. Các dự án điện khí mới, dùng khí khai thác ở các mỏ của Việt Nam hầu như không tiến triển được trong khi thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng đẩy giá khí lên cao. Các hồ thủy điện lớn không tích đủ nước do lượng mưa thiếu nên có thể sẽ không đủ nước phát điện đáp ứng cho mùa khô 2022.

Quy hoạch điện lực Quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) ra bản dự thảo từ tháng 3/2021 nhưng sau nhiều lần chỉnh sửa và họp bàn góp ý, đến cuối năm 2021 vẫn chưa được thông qua theo kế hoạch. Những cam kết của Việt Nam tại COP26 và đề xuất phát triển nguồn điện ồ ạt của các tỉnh đưa lên làm cho việc thông qua Quy hoạch lại càng khó khăn.

Than:

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam dự tính trong năm sản xuất được 39 triệu tấn than nguyên khai, đạt kế hoạch năm. Lượng than tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra. Lượng điện sản xuất ra vượt 10,5 tỉ kWh, cao hơn kế hoạch đề ra cho năm 2021. Doanh thu của tập đoàn vượt 130 ngàn tỉ đồng, đảm bảo kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước.

Lượng than nhập khẩu năm 2021 dự tính 35 triệu tấn, giảm mạnh so với 2020 (54 triệu tấn), một phần do sự vào cuộc của năng lượng tái tạo và một phần do tăng trưởng kinh tế giảm sút. Một yếu tố ảnh hưởng khác là giá than nhiệt thế giới tăng mạnh, có lúc gấp đôi so với giá trung bình năm 2020.

Năm 2021 nền kinh tế cả nước chứng kiến năm thứ hai tăng trưởng giảm sút mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cả ba ngành dầu, điện, than đều đóng góp tích cực cho việc phòng chống dịch qua việc tặng các trang thiết bị y tế, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ngành điện giảm tiền điện hàng chục ngàn tỉ đồng cho khách hàng.

Trong năm, ngành năng lượng Việt Nam lần đầu tiên thực hiện giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để “nhường sân” cho năng lượng tái tạo theo đúng định hướng mà Thủ tướng đã cam kết tại Hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu COP26. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu năng lượng suy giảm nên chưa thể đánh giá hết được khả năng thay thế từng bước của nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống năng lượng vẫn cần những nguồn năng lượng chủ động lớn để đón đầu thời kỳ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng sau đại dịch đòi hỏi nỗ lực lớn mang tính kỹ thuật sâu của ngành năng lượng trong năm 2022./.

Nguồn: Đào Nhật Đình - Chuyên gia tạp chí năng lượng Việt Nam.

 

Back