News

28

11-2021

Năng lượng sạch - chìa khóa mới để thu hút 'đại bàng' đến Việt Nam

Ngoài các yếu tố như chi phí, môi trường đầu tư… thì khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo đang là điều mà nhiều tập đoàn đa quốc gia xem xét khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Bên ngoài COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh), một nhóm các nhà vận động môi trường mặc đồ “Trò chơi con mực" yêu cầu Samsung cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch. Họ nói rằng Samsung đã cam kết đến 2020 sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại tất cả các hoạt động ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Nhưng Samsung không cam kết việc này tại Hàn Quốc và Việt Nam, nơi chiếm 80% lượng điện Samsung sử dụng và cũng là nơi năng lượng phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong 30 năm qua, các điều kiện về đối xử thỏa đáng với lao động và thương mại công bằng là những yêu cầu đi kèm từ người tiêu dùng đối với các thương hiệu toàn cầu. Bất cứ bằng chứng nào về việc một thương hiệu toàn cầu sử dụng lao động trẻ em, hay lao động quá thời gian đều có rủi ro bị người tiêu dùng tẩy chay.

Gần đây, năng lượng sạch dần trở thành một yêu cầu quan trọng từ người tiêu dùng đối với các thương hiệu toàn cầu, không kém điều kiện “thương mại công bằng” và việc làm thoả đáng.

Khách hàng từ các nước phát triển đang ngày càng khó tính hơn. Họ yêu cầu sản phẩm được sản xuất từ lao động được đối xử tử tế, từ năng lượng sạch... Những yêu cầu này là một phần gắn với giá trị của các thương hiệu toàn cầu như Nike, Heineken hay Samsung, Apple.

Việc đạt cam kết sử dụng năng lượng tái tạo của các thương hiệu đa quốc gia còn liên quan đến nguồn vốn đầu tư của họ. Năng lượng sạch là điều kiện tiên quyết để thu hút “tài chính xanh”. Các quỹ đầu tư có thể điều chỉnh kế hoạch đầu tư nếu doanh nghiệp không thể hiện nỗ lực giảm phát thải carbon trong hoạt động kinh doanh.

Việt Nam là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu toàn cầu. Do đó, việc giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận năng lượng sạch thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp, đáp ứng các cam kết đối với người tiêu dùng, đang ngày càng trở nên cấp thiết và quyết định đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.

_zing

Nhiều tập đoàn đa quốc gia ngày càng quan tâm đến khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo khi quyết định đầu tư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cam kết năng lượng tái tạo của các tập đoàn đa quốc gia

Không phải ngẫu nhiên mà ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - đề xuất tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong cuộc gặp với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên hồi tháng 5/2021. DPPA cho phép Samsung đưa năng lượng sạch vào quá trình sản xuất ở Việt Nam.

Tháng 9 vừa qua, một ủy ban của Quốc hội Hàn Quốc lên tiếng về việc sẽ giám sát Samsung về cam kết sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có hoạt động sản xuất ở Việt Nam.

Năm 2020, Apple đã dùng 100% năng lượng sạch và đạt mức trung hòa carbon ở toàn bộ cơ sở hoạt động toàn cầu như cửa hàng, văn phòng và trung tâm dữ liệu tại 43 quốc gia. Apple cam kết đến năm 2030, tất cả thiết bị của Apple bán ra đều đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero).

Các giải pháp của Apple bao gồm xây dựng các nhà máy cung cấp năng lượng sạch cho hoạt động của tập đoàn, lắp điện mặt trời mái nhà, thiết kế và sáng chế công nghệ phát thải thấp và tái chế, tiết kiệm điện và thu khí carbon từ trồng rừng…

Các nhà cung cấp cho Apple như Jabil, Lens Technology cũng dần đạt mục tiêu năng lượng sạch thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trong danh sách đó Lens Technology và Luxshare-ICT đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa chưa có cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Cơ chế DPPA ở Việt Nam

DPPA (Direct Power Purchase Agreement) là cơ chế cho phép khách hàng tiếp cận và mua trực tiếp điện được từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng song phương dài hạn có giá và thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và thống nhất.

DPPA được áp dụng đầu tiên tại Mỹ từ năm 2008 trên cơ sở đề xuất và thúc đẩy của một số tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Apple, AT&T… có cam kết tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

 

mbakvphuocan__

Trong cơ chế DPPA, các doanh nghiệp có thể mua điện trực tiếp với đơn vị phát điện. Ảnh: EVN.

Tại Việt Nam, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực (ERAV) nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện. Tháng 8/2020, Bộ Công Thương đã phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn 2022-2024. Việc thí điểm mua bán điện trực tiếp theo cơ chế DPPA sắp được trình lên Chính phủ.

Cơ chế này cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia (công suất lớn hơn 30 MW), bán cho khách hàng sử dụng điện với mục đích sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên). Các bên được chủ động đàm phán, thỏa thuận về giá mua bán thông qua hợp đồng dài hạn. Quy mô trong giai đoạn thí điểm mua bán điện trực tiếp dự kiến không vượt quá 1.000 MW.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, mô hình mua bán điện trực tiếp thông qua hợp đồng tài chính (mô hình Synthetic PPA) được lựa chọn áp dụng tại Việt Nam. Trong mô hình này, khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện sẽ ký kết một hợp đồng tài chính song phương dạng hợp đồng kỳ hạn với mức giá và sản lượng điện cố định do 2 bên tự thỏa thuận.

Yếu tố để cân nhắc đầu tư vào Việt Nam

"Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu 2 năm qua đang khiến các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chuỗi cung ứng. Khi lựa chọn điểm đến đầu tư trong 10-20 năm tới thì chắc chắn một trong các yếu tố họ cân nhắc và xem xét là chính sách năng lượng tái tạo”, một lãnh đạo cao cấp, không nêu tên, của một tập đoàn có thương hiệu thời trang đa quốc gia ở Việt Nam nói.

Do đó, trong tương lai, theo vị này, điều kiện tiếp cận mua năng lượng sạch trực tiếp là yếu tố được tính toán trong quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Hiện tại, nhiều thương hiệu đa quốc gia đã cam kết với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu giảm 30% khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Khi chưa có DPPA, một số doanh nghiệp tìm những cách khác để đạt mục tiêu như lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, cách này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu điện năng của các doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Heineken Việt Nam, cho biết Heineken lắp điện mặt trời mái nhà toàn bộ 6 nhà máy của công ty, và dùng nhiệt năng từ nguyên liệu hữu cơ như trấu và vụn gỗ để tạo nhiệt nấu bia, khử trùng, giúp giảm 50% phát thải CO2 so với dùng dầu diesel hoặc than.

"Nhưng điện mặt trời mái nhà chỉ đạt 5-10% lượng điện cần thiết. DPPA là tiền đề rất quan trọng để chúng tôi đạt mục tiêu 100% điện tái tạo. Chúng tôi hy vọng trong năm nay hoặc đầu năm sau sẽ có tin vui là Chính phủ ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp thử nghiệm", bà Mỹ nói trong một cuộc tọa đàm về năng lượng tái tạo đầu tháng 11.

Đây cũng là lý do đầu năm nay, 29 thương hiệu đa quốc gia, gồm Nike, H&M, Tommy Hilfiger… gửi thư cho Chính phủ kêu gọi Việt Nam mở bán điện tái tạo bằng việc thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA.

Theo ông Hà Đăng Sơn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, Phó giám đốc dự án Vleep, có chức năng hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cơ chế DPPA), ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo và coi đó là một trong những yếu tố quyết định đầu tư.

Ông nhấn mạnh nếu DPPA được thí điểm ở Việt Nam thì đó sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế tại COP26 vừa qua. Ưu điểm khi có DPPA là Chính phủ gần như không phải bỏ chi phí ra để thúc đẩy giảm phát thải carbon.

Mạnh dạn thí điểm

Theo một chuyên gia, kỹ thuật không phải là vấn đề vướng mắc hiện nay, mà là việc giải quyết bài toán về về pháp lý khi áp dụng DPPA ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Hà Đăng Sơn, Luật Điện lực hiện chưa cho phép việc mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam. "Do đó, nếu áp dụng DPPA thì Chính phủ phải cho phép một cơ chế thí điểm vượt qua khuôn khổ của pháp luật, diễn ra trong một quy mô và thời gian xác định. Sau đó mới có thể nhân rộng, thậm chí là sửa đổi luật pháp", ông Sơn nói.

Phát biểu trước Quốc hội vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025.

Khi đã có quyết định từ Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ ban hành cơ chế cụ thể. Còn Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) - bản thân là doanh nghiệp Nhà nước - cũng sẽ có cơ sở để hy sinh một số lợi ích của mình, tiến tới thị trường mua bán điện cạnh tranh. Bởi nếu áp dụng DPPA thì bản thân EVN sẽ mất đi một lượng khách hàng nhất định, dẫn tới giảm doanh thu so với hiện tại.

Tuy nhiên, có một thực tế là EVN đang phải mua năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) với giá cao và bán lại với giá thấp hơn theo mức Chính phủ quy định. Để bù vào giá bán cho điện tái tạo, EVN phải huy động các nguồn rẻ hơn từ thủy điện, nhiệt điện than… Do đó, nếu áp dụng DPPA, EVN thậm chí sẽ đỡ "gánh nặng" về chi phí hơn.

Ngoài ra, nếu áp dụng DPPA thì vai trò của EVN vẫn rất quan trọng. Theo tính toán, các nguồn năng lượng tái tạo từ nhà máy điện gió, mặt trời là không ổn định, thậm chí điện mặt trời chỉ có thể phát vào ban ngày. Do đó, vào những thời điểm khác trong ngày, doanh nghiệp phải sử dụng nguồn bù khác được cung cấp bởi EVN.

Hơn nữa, để có thể truyền tải điện từ nhà máy điện gió, điện mặt trời về các doanh nghiệp sản xuất thì vẫn cần phải sử dụng dịch vụ lưới điện, vận hành, điều độ của EVN.

Về giá bán điện theo DPPA, ông Hà Đăng Sơn cho rằng 2 bên mua - bán sẽ phải tự đàm phán theo cơ chế thị trường. Cơ sở tham chiếu giá sẽ là giá bán điện sản xuất đang được Bộ Công Thương quy định. Tương tự, giá truyền tải điện và vận hành mà các bên phải trả cho EVN được tham chiếu theo giá chung hiện tại.

"Việc tự đàm phán theo cơ chế thị trường, dựa vào khung giá tham chiếu phổ biến sẽ giúp các bên win-win, mà không lo chịu thiệt", ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện một thương hiệu toàn cầu không hoàn toàn lạc quan như vậy. Vị này lo rằng nếu phí sử dụng lưới điện từ EVN quá cao và không tạo được tam giác win-win có lợi cho cả ba bên thì các thương hiệu sẽ khó tham gia DPPA.

Thị trường toàn cầu đang cho thấy mô hình kinh tế là một nước nghèo cung cấp lao động và năng lượng giá rẻ không còn là điều kiện duy nhất để thu hút đầu tư từ những nhà sản xuất có thương hiệu đa quốc gia hàng đầu thế giới. Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 cũng gửi đi tín hiệu tốt về xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Do đó, việc thông qua cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA sẽ thay đổi thương hiệu Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng thế giới theo hướng tăng trưởng xanh, giúp giữ chân các nhà sản xuất có thương hiệu toàn cầu.

Nguồn: zingnews.vn

 

Back