News

21

05-2021

EVNNPT đề xuất Quảng Trị hỗ trợ thúc mặt bằng Dự án đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo

EVNNPT vừa có công văn gửi Bí thư tỉnh Quảng Trị đề xuất quan tâm, hỗ trợ thúc giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo.

 Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hiện là chủ đầu tư dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và Đường dây 220 kV Lao Bảo - Đông Hà (đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrong và Hướng Hoá). Đây cũng là hai dự án lưới điện trọng điểm nhằm truyền tải hết công suất các nhà máy điện gió phía Tây Quảng Trị và các thuỷ điện trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia. 

Mặc dù đã thi công nhiều thời gian nhưng tới nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và được EVNNPT cho rằng có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành của dự án. 

136

Trạm 220 kV Lao Bảo mở rộng vẫn vướng hộ dân không chịu nhận tiền đền bù vì cho là đơn giá thấp

Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cũng đã khẳng định, “không thể công nhận vận hành thương mại (COD) tạm cho các dự án điện gió” khi nhiều chủ đầu tư điện gió tại tỉnh Quảng Trị lo ngại về nguy cơ hoàn tất đầu tư dự án của mình trước thời điểm tháng 11/2021 nhưng lại không thể kết nối với lưới điện quốc gia do tiến độ các công trình truyền tải trên địa bàn tỉnh này đang rất ì ạch. Nghĩa là, các chủ đầu tư điện gió có dự án hoàn thành nhưng không thực hiện được các công đoạn liên quan đến nghiệm thu, công nhận COD để được hưởng giá bán điện gió là 8,5 UScent/kWh trước ngày 1/11/2021.

Tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Trị và EVN vào tháng 11/2020, nhằm tháo gỡ các khó khăn cho những dự án điện gió đang đầu tư kịp tiến độ tháng 10/2021 cũng như truyền tải được hết sản lượng điện làm ra lên lưới, lãnh đạo EVN đã cam kết, nếu tỉnh Quảng Trị bàn giao mặt bằng sạch trong tháng 12/2020 thì đường dây 220 kV Lao Bảo - Đông Hà và trạm 220 kV Lao Bảo sẽ được hoàn tất vào tháng 6/2021, đáp ứng được mong muốn của các nhà đầu tư điện gió khi mốc tháng 11/2021 không còn xa.

Tiếp đó, EVN lại làm việc với tỉnh Quảng Trị vào ngày 12/3/2021 và dù có nhiều tiến triển tốt trong giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn tại hai dự án trên.

Ở thời điểm tháng 3/2021, tuyến đường dây 220 kV vẫn còn 25 vị trí cột chưa bàn giao mặt bằng để lắp dựng cột và 119 khoảng cột chưa bàn giao xuất tuyến để kéo dây.

Đáng nói là có khoảng 12 vị trí cột thuộc sự quản lý của một hộ dân và phía chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã làm việc hàng năm nay nhưng kết quả vẫn là chưa có mặt bằng để thi công.

Tổng giám đốc EVN khi đó cũng cam kết, nếu địa phương bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2021 thì EVN và các đơn vị của mình sẽ dốc sức, dồn lực để tháng 6/2021 hoàn thành các công trình truyền tải này. Tức là thi công trong 3 tháng thay vì mất 6 tháng như dự tính cuối năm 2020.

Tuy nhiên, trong công văn vừa gửi tới Bí thư tỉnh Quảng Trị ngày 11/5/2021, Chủ tịch HĐQT của EVNNPT lại tiếp tục đề nghị Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Trị quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các bên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm bàn giao mặt bằng thi công các vị trí móng cột còn lại và hành lang tuyến trong những ngày cuối cùng của tháng 5/2021.

Cụ thể, tại huyện Triệu Phong, còn 2 móng cột chưa bàn giao mặt bằng. Ở vị trí số 01 liên quan đến 5 hộ dân thì tất cả đều không chịu nhận tiền và kiến nghị bồi thường nhà do gần vị trí móng hoặc không chấp nhận đơn giá bồi thường thấp được phê duyệt của địa phương.

Tại vị trí số 25, hiện hộ dân chưa cung cấp hồ sơ pháp lý về đất nên chưa có cơ sở lập phương án bồi thường.

Cũng trên địa bàn huyện Triệu Phong, hành lang tuyến đã được phê duyệt phương án bồi thường cho 2 tổ chức và 36 hộ dân, còn 17 hộ dân khác đang hoàn thiện hồ sơ để trình duyệt.

Với dự án mở rộng Trạm biến áp 220 kV Đông Hà, đã có 19/20 hộ dân bàn giao mặt bằng, còn 01 hộ dân không đồng ý nhận tiền vì cho là đơn giá bồi thường thấp.

Tại huyện Cam Lộ đã chi trả tiền bàn giao mặt bằng cho 20/24 vị trí móng cột. Còn lại 04 vị trí móng  phê duyệt được phương án do chưa xác định được nguồn gốc đất.

Hành lang tuyến dây qua huyện này cũng tương tự khi có 20/24 khoảng cột đã chi trả tiền và 4 khoảng cột chưa xác định được nguồn gốc đất nên chưa có phương án bồi thường.

Tại huyện Hướng Hoá, đã có 10/11 vị trí móng bàn giao mặt bằng thi công. Vị trí còn lại có sự tranh chấp đất của 2 hộ dân với doanh nghiệp tại đây nên các hộ dân này đã cản trở, không cho thi công.

Ở địa bàn huyện Hướng Hoá còn có tuyến đường dây 22 kV cấp điện tự dùng hiện còn 15/33 hộ không thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ đất trồng cây lâu năm.

Đáng nói là các vướng mắc trên đã được UBND huyện Hướng Hoá giải quyết nhiều lần nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.

Thực tế này cũng sẽ làm chủ đầu tư các dự án điện gió tại khu vực phía Tây Quảng Trị lo lắng bởi nếu không được hưởng giá 8,5 UScent/kWh thì sẽ khó khăn lớn về dòng tiền vì chưa biết lúc nào có giá điện mới và mức mua cụ thể ra sao?

Nguồn: Baodautu.vn

 

Back