Tin tức

23

07-2018

Một đêm không ngủ trên công trường Nam Theun 1

Những ngày này đội ngũ cán bộ công nhân SCI tại Dự án Nhà máy Thủy điện Nam Theun 1 đang dồn lực lượng thi công Đê quây nhằm hoàn thành hạng mục này ngay trong tuần tới.

sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_3

Ca trực bắt đầu từ 21h15

Từ 21h00, hơn 50 kỹ sư công nhân đã có mặt tại địa điểm thi công. Kỹ sư Phan Văn Thường, nhân viên QC của ca trực cho biết, vì thời gian đang gấp rút cộng với việc tranh thủ thời tiết tạnh ráo nên đơn vị thực hiện giao ca trực tiếp ngay tại công trường. Cũng theo anh Thường, hạng mục này hôm nay có 30 lao động phổ thông, 10 thợ lái máy, 3 thợ điện nước, 3 thợ cốp pha và 3 kỹ thuật hiện trường. Sau 15 phút được phổ biến an toàn trước giờ lao động, anh em kỹ sư, công nhân bắt tay ngay vào công việc của mình.

Hạng mục Đê quây tại Nhà máy Thủy điện Nam Theun 1 với tổng khối lượng khoảng 140 nghìn m3 bê tông, cao độ 123-173 bắt đầu từ đáy sông gồm đê quây hạ lưu đã hoàn thành cao độ 150 trong khi đê quây thượng lưu đang thi công đến cao độ 167. Theo kỹ sư Phạm Quang Anh, chỉ huy trưởng hạng mục bê tông đầm lăn RCC, đê quây thượng lưu sẽ hoàn thành trong 5 đến 6 ngày nữa nếu thời tiết thuận lợi.

Một loạt các loại xe ủi, máy đầm rung, máy đánh sờm, máy hút chân không, máy đánh vữa được 'giao sống' từ thợ lái ca trước sang thợ ca này vào lúc 21h15 với mong muốn tận dụng được sức hoạt động tối đa không ngừng của máy móc. Những công đoạn của việc đổ dải bê tông đầm lăn RCC tại đê quây dù đã rất quen thuộc nhưng các QC, kỹ thuật hiện trường đều rất tỉ mỉ và chi tiết trong thi công mới. Bắt đầu từ khâu rải vữa grout lên bờ mặt đã được đánh sờm sau đó được đầm lại bằng máy đầm rung 15T (đầm tĩnh 1 lượt, đầm rung 3 lượt).

Theo kỹ sư Thường, các vệt đầm chồng lên nhau ít nhất 20cm với mục đích đảm bảo tất cả phạm vi dải bê tông RCC đều được đầm chặt. Sau đó cán bộ trắc đạc kiểm tra cao độ lớp rải, kiểm soát lớp độ nghiêng bằng máy đo lazer. Tiếp đó là công tác san rải RCC, mỗi lần đổ 2 dải đổ, chiều rộng mỗi dải đổ khoảng (12-15)m (phụ thuộc vào chiều rộng của từng dải đổ của lớp nghiêng) đồng thời độ dày san rải mỗi lớp 35cm (30cm sau khi đầm). Hai dải đổ liên tiếp nên đổ so le cách nhau khoảng 10-15m với điều kiện RCC được san phẳng không phân tầng. Sau khi san rải xong được 10-15m, khu vực tiếp giáp cốt pha, mái đá, các chi tiết đặt sẵn sẽ được làm phẳng bằng thủ công…

Quy trình ấy cứ nối tiếp nhau trong hăng say của mỗi người thợ lái, mỗi công nhân lao động mà anh em hầu như không mấy quan tâm đến giờ nghỉ giải lao chỉ đến khi có tiếng còi mời mọi người dừng tay dùng bánh, sữa cho bớt đói. Và rồi công trường lại nhộn nhịp máy đầm, máy rải vữa, máy san bê tông với tiếng nói cười của kỹ sư công nhân như chưa hề mệt mỏi.

 

sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_7

Anh em cán bộ công nhân không mấy quan tâm đến giờ nghỉ giải lao

Kỹ sư Phạm Quang Anh cho hay, đây là lần đầu tiên SCI thực hiện đổ bê tông đầm lăn RCC – phương pháp thi công tiên tiến trong xây dựng thủy điện đang rất được ưa chuộng hiện nay. Không chỉ dừng lại ở đó, đây là đập RCC đầu tiên trên thế giới không dùng cốp pha hạ lưu mà dùng máy đầm rung tạo mái phía hạ lưu - kỹ thuật thi công rất khó nhưng SCI đã làm được. Chính vì vậy, SCI được tổng thầu JV (gồm liên danh nhà thầu CMC (Italia) – Italian Thai (Thái Lan) – Sông Đà (Việt Nam) ) đánh giá cao.

Với những nỗ lực của cán bộ công nhân SCI, đê quây thượng lưu hoàn thành trong nay mai và chắc chắn thương hiệu SCI sẽ ngày càng được tin tưởng ở những công trình lớn tựa như mặt trời kia, đang le lói xua tan sương mù, kết thúc nhanh chóng 1 đêm trực và chào mừng ngày làm việc mới của 50 công nhân, kỹ sư tiếp theo. 

Một số hình ảnh của ca trực đêm trên công trường:

sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_1
sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_2
sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_6
sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_4
sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_8
sci_mot_dem_khong_ngu_tren_cong_truong_nam_thuen_5

 

Quay lại