Tin tức

11

06-2021

"Đổ" tiền làm điện mặt trời rồi thừa điện: Doanh nghiệp cắn răng giảm công suất

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào năng lượng tái tạo, nhưng nay nhà máy không được chạy hết công suất, điện làm ra không bán được để thu hồi vốn.

Vấn đề “vỡ” quy hoạch điện mặt trời không chỉ khiến các nhà quản lý đau đầu mà còn đẩy doanh nghiệp đã đổ tiền làm dự án vào nguy cơ phá sản nếu không sớm có phương án tháo gỡ.

Nghịch lý thiếu điện nhưng vẫn phải cắt giảm

Nguy cơ thiếu điện chực chờ nhưng khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021, trong đó hơn 500 triệu kWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV.

Không những thế, loạt dự án điện gió đang thi công và sẽ nối lưới vào năm nay khiến điện tái tạo tiếp tục đối diện nguy cơ cắt giảm.

Như vậy, rõ ràng Việt Nam đang đối diện nghịch lý: Năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm… lại bị buộc tiết giảm công suất trong bối cảnh Việt Nam được dự báo sẽ thiếu điện từ 2021. Nguyên nhân từ đâu?

Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo. Việc phát triển những nguồn năng lượng này không chỉ giúp bổ sung lý tưởng cho sự thiếu hụt điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn góp phần giảm tiêu hao năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện tiềm năng thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết; nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu; nhiệt điện khí hóa lỏng có giá bán điện còn khá cao và phụ thuộc nguồn nhiên liệu thế giới. Chính trong bối cảnh này, việc phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.

trungnam

Một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đã khiến nguồn cung dư thừa. Quy hoạch điện VII đặt ra mục tiêu công suất nguồn điện mặt trời năm 2020 là 850 MW và 1.200 MW tới 2030 nhưng thực tế đến nay công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã gấp gần 20 quy hoạch.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Còn tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.

dien

Tuy nhiên, tỷ trọng thành phần điện mặt trời ngày càng cao đang khiến việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện. Nhiều thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h - 14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Nhưng vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW.

Điều này dẫn đến những ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than và tuabin khí trên cơ sở đảm bảo đủ số tổ máy nối lưới tối thiểu theo điều kiện kỹ thuật của hệ thống.

Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến. EVN đang giải quyết bài toán thừa điện, nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo buộc phải cắt giảm công suất trong những thời điểm phụ tải thấp, mức tiêu thụ điện của hệ thống giảm.

“Đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện”, đại diện EVN cho hay.

Doanh nghiệp “ngồi trên lửa”

Theo EVN, trong năm 2021, khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời do quá tải đường dây 500 kV. Thực trạng cắt giảm công suất nhà máy điện khiến những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay) vào năng lượng tái tạo đang không thể bán được điện và khốn khổ tìm cách giải bài toán tài chính.

baungu

Bị cắt giảm công suất, doanh nghiệp điện mặt trời chịu thiệt hại rất lớn.

Thực tế, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Thậm chí có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp điện mặt trời cũng chỉ còn biết kêu trời.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành cho biết, từ ngày làm dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và hòa lưới điện quốc gia, công ty và chính bản thân ông chưa bao giờ nghĩ có tình trạng như ngày hôm nay. "Công suất 2 dự án diện mặt trời của chúng tôi hơn 100MW, nhưng từ ngày hòa lưới điện đến nay đều bị cắt giảm, có thời điểm bị cắt giảm 30% lên đến 50-60% công suất", ông Trường nói.

Theo ông, thiệt hại về việc không giải tỏa hết công suất của nhà máy là vô cùng lớn, bởi nguồn vốn để triển khai dự án của công ty chủ yếu đều vay vốn từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện "phập phù" như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy cũng như phải trả lãi và gốc cho ngân hàng.

“Các nhà máy điện mặt trời hiện nay của công ty chúng tôi thậm chí phải lấy tiền từ các dự án khác bù vào để trả cho ngân hàng. Điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch về nguồn vốn và các dự án tiếp theo của công ty”, ông Trường bày tỏ.

Theo Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án điện mặt trời 450 MW (tại Ninh Thuận) thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Việc cắt giảm công suất điện liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng.

Đại diện một nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận cho hay doanh nghiệp cũng đang phải giảm phát, có ngày đến 50% công suất, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng.

Không chỉ các dự án điện mặt trời công suất lớn, mà các dự án điện mặt trời mái nhà, các dự án thuê mái nhà bán điện lên lưới cũng buộc phải cắt giảm công suất.

Theo công bố cắt giảm công suất của nguồn điện mặt trời mái nhà từ 15/3 - 21/3 do Tổng công ty Điện lực Miền Nam ban hành, tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An…, sản lượng điện bị cắt giảm từ nguồn điện mái nhà khá lớn.

Cụ thể, trong giờ cao điểm từ 10h30 - 13h các ngày từ 15 - 21/3, tại Ninh Thuận, mỗi ngày bị cắt khoảng 40.103 - 53.471 MW; tại Bình Dương bị cắt từ 57.964 - 77.285 MW; tại Bình Thuận bị cắt từ 35.771 - 47.695 MW; tại Long An từ 49.276 - 65.701 MW; tại An Giang bị cắt từ 16.686 - 22.248 MW…

Trong bối cảnh số lượng dự án điện mặt trời mái nhà gia tăng, nhu cầu tiêu thụ điện giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19... hầu hết doanh nghiệp điện mặt trời đứng trước nỗi lo “vỡ” phương án tài chính, dẫn đến thua lỗ, phá sản.

Nguồn: vtc.vn

 

Quay lại