Tin tức

10

12-2021

Chính sách nào để thu hút các dự án điện gió sau mốc FIT

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 10/2021 có 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá ưu đãi (FIT) 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT). Như vậy, còn 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.500MW chưa kịp về đích đúng hạn trước 1/11 để hưởng mức giá ưu đãi trên.

_image_6

Cánh đồng điện gió tại Quảng Trị

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cho rằng, với cam kết đưa giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, ngay từ giờ, Việt Nam cần cải thiện khung chính sách, cơ sở hạ tầng liên quan tới điện gió. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, ngoài cơ chế, chính sách thì công nghệ (lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì...) tạo ra những mô hình mới cho phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.

Theo ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau: “Khi xây dựng triển khai dự án thì đúng vào đợt dịch Covid-19 khiến nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc để có thể đến công trường tương đối khó khăn.

Thêm vào đó, việc vận chuyển tuabin từ nước ngoài về thì phải qua rất nhiều khâu kiểm dịch, sau đó tập trung tại cảng Đá Son, Vũng Tàu. Để kiểm soát được thiết bị thì cần con người, nhưng việc đưa cán bộ kỹ thuật vào tương đối khó khăn do tỉnh có những quy định gắt gao. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn nhân lực để triển khai dự án, các vị trí đóng trục tua bin, đường dây. “Chúng tôi muốn đưa chuyên gia vào Cà Mau thì phải xin phép tỉnh, được sự đồng ý thì mới đc vào. Sau đó còn phải tiến hành test, yêu cầu cách ly lưu trú từ 14 – 21 ngày, ảnh hưởng đến tiến độ”.

Theo ông Trịnh Đức Trường Sơn: Rủi ro khi dự án không kịp vận hành thương mại. Lúc này, những chính sách sau mốc COD là điều vô cùng quan trọng với những nhà đầu tư dự án. Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư không thể trả lời “khoảng trống” này, họ đặt sinh mệnh của dự án trong tay các nhà hoạch định chính sách”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho rằng, dự án điện gió yêu cầu tính phức tạp hơn rất nhiều về kỹ thuật, 1 dự án mất 2 năm thi công trong khi điện mặt trời chỉ mất hơn nửa năm. Đặc biệt điện gió ngoài khơi còn phức tạp và kỹ thuật hơn nhiều. Một rủi ro khác là quá ít các nhà cung cấp thiết bị. Để giảm giá thành cần vốn đầu tư rất lớn, các nhà đầu tư khó huy động lượng lớn như vậy.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hình thức bây giờ vẫn gần như chỉ là nhập toàn bộ về và lắp đặt. Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn cho hoạch định chính sách, cần rõ ràng hơn. Trong trường hợp bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát, cần phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, như Nhà nước gia hạn, đề ra cơ chế cho nhà đầu tư an tâm vì đầu tư cho năng lượng gió rất lớn, không được đấu nối phát điện thì lãng phí, nguồn tài sản chết, gây thiệt hại với cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế - xã hội.

Ông Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Thị trường điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Từ năm 2011, Chính phủ có Quyết định 37 với điện gió và đổi sang Quyết định 39 từ 2018, cho đến nay có khoảng 4.000MW được vận hành. Với điện mặt trời, đã có 2 lần giá FIT. Lần 1 hết hạn vào 30/6/2019 – thời điểm đó có khoảng 5.000MW, sau đó đến 31/12/2020 thì có tổng cả áp mái và nối lưới có khoảng 16.000MW. Cơ chế điện gió hết hạn vào 31/10/2021 và hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng cơ chế đấu thầu, đang trong giai đoạn soạn thảo.

 

Trên thế giới, để khuyến khích năng lượng tái tạo thì thường chính sách đi từ thấp đến cao, trước là FIT, sau là đấu thầu. Kể cả những nước ở Liên minh châu Âu cũng đấu thầu: các nhà máy tham gia vào thị trường điện, nếu trả chênh lệch ít nhất, Chính phủ phải hỗ trợ ít nhất thì thắng thầu.

Cơ chế sau khắc phục khiếm khuyết của cơ chế trước. Cơ chế FIT cho điện gió hiện đã sang vòng thứ 2. Trước đó vòng 1 chỉ thu hút được khoảng 200MW, nhưng từ 2018 đến hết tháng 10/2021 thì có khoảng 3.800MW. Giá FIT đơn giản, dễ vận hành, minh bạch, nhưng nếu trong trường hợp không hấp dẫn thì khó khuyến khích, không đạt. Hy vọng cơ chế đấu thầu sẽ giải quyết nhược điểm, mua đúng thời điểm, mua đủ theo yêu cầu, giá cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex cho rằng: Không chỉ riêng giá FIT, doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư theo đuổi dài hạn trong lĩnh vực thiết yếu và bền vững này. Bên cạnh đó, năng lược xanh hay năng lượng tái tạo cũng đang là xu hướng của thế giới. Từ góc độ của nhà đầu tư, tôi thấy trước đây có dự thảo có cơ chế về đàm phán giá điện đối với năng lượng tái tạo và sẽ áp dụng cho các dự án đã có chủ trương đầu tư, hoặc dự án lớn như điện gió ngoài khơi (offshore), dự án điện gió trên bờ lớn (onshore)... Tuy nhiên, gần đây khi bàn về đấu thầu, thì tôi không thấy đề cập tới chính sách đàm phán giá điện. Vậy liệu có hay không cơ chế về đàm phán giá điện dự kiến và nếu có thì được áp dụng cho trường hợp nào?

Thứ hai, trong lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Vậy năng lượng tái tạo được đặt vào đâu trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh?

Nhà đầu tư đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chấp nhận đi trước, bỏ tiền trước… nhưng chỉ lệch tiến độ một chút với xác suất rủi ro luôn tiềm ẩn và khó lường như Covid-19… thì nhà đầu tư phải chịu toàn bộ. Như thế hoàn toàn không công bằng!

 

Quay lại