Tin tức

11

05-2021

Điện mặt trời áp mái nhà tại khu công nghiệp tắc vì thiếu hướng dẫn rõ ràng

Lắp điện mặt trời mái nhà ở khu công nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường toàn khu khiến nhiều doanh nghiệp thèm "chứng chỉ xanh" đành ngậm ngùi, từ bỏ ý định.

Gánh nặng cho các dự án điện mặt trời áp mái nhà

Theo phản ánh của một số nhà đầu tư tới báo đầu tư online, việc đầu tư điện mặt trời áp mái nhà tại một số khu công nghiệp đang gặp khó khăn do Luật và Nghị định khác với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, vào cuối năm ngoái, khi tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc không thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà đối với một số khu công nghiệp trong phạm vi địa bàn  tỉnh, Bộ này đã cho rằng, không có cơ sở để áp dụng việc miễn hoặc không thực hiện ĐTM khi bổ sung ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.

30_118

Điện mặt trời áp mái nhà tại khu công nghiệp Tân Tạo TP.HCM.Ảnh:st

Theo lý giải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án đầu tư mở rộng quy mô, thay đổi loại hình sản xuất của khu công nghiệp đang hoạt động, bao gồm cả việc bổ sung ngành nghề sản xuất và phân phối điện, hoạt động sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời thuộc đối tượng phải lập Báo cáo ĐTM theo quy định tại số thứ tự 105 Phụ lục II mục I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP liên quan đến Luật Môi trường.

Chiếu theo hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu việc đầu tư dự án điện mặt trời chỉ được thực hiện tại các khu công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hút ngành nghề sản xuất điện/nhiệt điện/phân phối điện trong báo cáo ĐTM của khu công nghiệp.

Với yêu cầu này, Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất tỉnh Đồng Nai (DIZA) cũng thống kê, hiện chỉ có một số khu công nghiệp có thể thu hút được dự án điện mặt trời mái nhà gồm Khu công nghiệp An Phước, Khu công nghiệp Nhơn Trạch III-giai đoạn I, Khu công nghiệp Hố Nai - giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Ông Kèo.

Con số này là rất nhỏ khi so với thực tế tỉnh Đồng Nai đang có tổng cộng 38 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 32 khu công nghiệp đã được thành lập. Đó là chưa kể còn có 36 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cũng xuất phát từ văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, DIZA đã yêu cầu các công ty kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không tự ý lắp đặt, kinh doanh dự án điện mặt trời mái nhà khi chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM với ngành sản xuất và phân phối điện.

Luật, Nghị định và hướng dẫn thiếu đồng nhất

Bình luận về các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và DIZA, một số doanh nghiệp cho rằng, còn nhiều điểm mờ liên quan tới yêu cầu thực hiện ĐTM của các dự án điện mặt trời áp mái nhà trong khuôn khổ khu công nghiệp.

Cụ thể, đa phần Báo cáo ĐTM được phê duyệt ban đầu của các dự án khu công nghiệp chưa bao gồm ngành nghề sản xuất, phân phối điện.

Theo Điều 20 và Điều 26 Luật bảo vệ môi trường 2014, trong trường hợp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án khu công nghiệp phải lập lại ĐTM và giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM.

Tuy nhiên, tại Điều 15 Nghị định 40/2019/NĐ-CP có quy định, các dự án phải lập lại ĐTM chỉ bao gồm trường hợp bổ sung vào khu công nghiệp ngành nghề đầu tư thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại nhóm I và nhóm II Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP.

Cũng tại Điều 16 Nghị định 40/2019/NĐ-CP, trong quá trình triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư dự án khu công nghiệp có bổ sung ngành nghề đầu tư loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc nhóm III Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan đã phê duyệt ĐTM và chỉ được thực hiện thay đổi sau khi có quyết định chấp thuận về môi trường của cơ quan phê duyệt ĐTM.

Tuy nhiên, danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục IIa chỉ bao gồm loại hình nhiệt điện than và điện hạt nhân (Nhóm I) mà không bao gồm loại hình sản xuất điện năng lượng tái tạo nào (bao gồm cả điện năng lượng mặt trời).

Điều này khiến doanh nghiệp hiểu rằng, việc thực hiện các dự án đầu tư ĐMT mái nhà trong phạm vi các dự án khu công nghiệp đã có báo cáo ĐTM được phê duyệt (chưa bao gồm ngành nghề sản xuất, phân phối điện) không thuộc trường hợp phải lập lại ĐTM theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định 40/2019/NĐ-CP.

Nếu viện dẫn Phụ lục II Nghị định 40/2019/NĐ-CP, các dự án quang điện (bao gồm điện mặt trời áp mái nhà) có diện tích từ 50 ha đến dưới 200 ha thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và trên diện tích từ 200 ha trở lên thuộc đối tượng phải lập ĐTM. Đây là điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp chưa thể “tâm phục khẩu phục”.

“Chúng tôi hiểu là chỉ trong trường hợp tổng diện tích mái sử dụng của các dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà trong phạm vi khu công nghiệp chiếm diện tích từ 200 ha trở lên mới phát sinh yêu cầu các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp lập mới hoặc bổ sung báo cáo ĐTM cho ngành nghề sản xuất, phân phối điện bổ sung trong phạm vi khu công nghiệp. Các dự án điện mặt trời áp mái nhà quy mô nhỏ dưới 1 MW và diện tích mái tổng cộng không tới 200 ha sẽ không cần làm lại báo cáo ĐTM”, một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm ở TP.HCM chia sẻ.

Cần nhắc thêm rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2014 sẽ hết hiệu lực thi hành ngày 31/12/2021 và sẽ bị thay thế bởi Luật Bảo vệ môi trường 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Nghĩa là sẽ cần thêm thời gian để các bộ, ngành hoàn thành việc soạn thảo và phê duyệt nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2019, trong đó có phần liên quan đến điện mặt trời nói chung này.

Được biết, điện mặt trời áp mái nhà được xem là giải pháp giúp hạ căng thẳng và san tải cho hệ thống điện toàn quốc nhất là vào giờ cao điểm sáng (từ 9h30-11h30).

Việc sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất tại chỗ đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên. Bên cạnh việc chống nóng cho nhà xưởng, tiết kiệm chi phí điện năng, sử dụng ĐMT giúp doanh nghiệp có thêm chứng chỉ xanh, tạo lợi thế xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển trong bối cảnh vấn đề giảm phát thải đang ngày càng được quan tâm mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng, bạn hàng và các Chính phủ.

Do đó, việc các nhà quản lý sớm ra hướng dẫn rõ ràng sẽ giúp cả chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp yên tâm phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra lợi ích xã hội và thương mại cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Nguồn: baodautu.vn

 

Quay lại