Tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” diễn ra vào sáng hôm nay (8/12/2021) nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện gió.
Tạp chí TheLEADER tổ chức tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió
Với chiến lược khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ, những năm gần đây, làn sóng đầu tư các dự án điện gió đã thực sự bùng nổ với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.
Tính đến hiện tại, cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW, đã có hồ sơ đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).
Tuy nhiên, tính đến ngày 1/11 vừa qua mới chỉ có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.298 MW được công nhận COD.
37 nhà máy điện gió còn lại trong danh sách chưa được công nhận COD đến thời điểm đó, hiện vẫn tiếp tục tiến trình hoàn thiện xây dựng, lắp đặt và tiến tới được thẩm định để đóng điện, hòa lưới điện.
Tuy nhiên, các dự án nói trên cùng với các dự án điện gió sẽ được hình thành trong thời gian tới sẽ được áp dụng giá mua điện như thế nào, là một câu hỏi lớn đang được đặt ra với các chủ đầu tư dự án?
Ngày 1/11 vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí metan…
Cam kết mạnh mẽ này của chính phủ với cộng đồng quốc tế sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức to lớn. Cơ hội lớn mở ra đó chính là làn sóng đầu tư mới của quốc tế và trong nước sẽ đổ vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trong đó điện gió được dự báo sẽ là lĩnh vực hấp dẫn và rất nóng; nhưng bên cạnh đó thì những thách thức phải đối mặt cũng là không nhỏ khi mà hàng loạt các dự án năng lượng không tái tạo, năng lượng hóa thạch… sẽ phải giảm xuống, thậm chí là tiến tới dừng triển khai thêm.
Đây là những bài toán rất lớn và sẽ rất nóng của ngành năng lượng nước nhà hiện nay và trong thời gian tới, đòi hỏi phải có các chính sách và giải pháp kịp thời và phù hợp.
Trước thực tế này, Tạp chí TheLEADER tiến hành tổ chức tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” (vừa trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội vừa trực tuyến/online trên nền tảng công nghệ Zoom) nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đưa ra các kiến nghị tới cơ quan chức năng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư điện gió trên địa bàn cả nước; từ đó góp phần thúc đẩy cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực điện gió.
Tọa đàm có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia đầu ngành cùng nhiều nhà đầu tư: Ông Nguyễn Văn Vy – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ông Lê Hoàng Nam – Đại diện Ban Thị trường điện – Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Thị trường điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ông Nguyễn Hoàng Long - Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex, ông Đồng Hải Hà - Phó tổng giám đốc BCG Energy, ông Nguyễn Đức Cường – Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T, ông Trịnh Đức Trường Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau….
Các nhóm vấn đề chính sẽ được thảo luận tại tọa đàm gồm: Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mở ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió; nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ.
Bài toán quản lý nhà nước, đầu tư kinh doanh các dự án điện gió trong bối cảnh đối mặt nhiều rủi ro: Đại dịch Covid-19, đảm bảo tiến độ vận hành, giải phóng mặt bằng, bị tiết giảm công suất theo yêu cầu từ A0, giá mua điện sau 31/10/2021, cơ chế giá điện cạnh tranh trong thời gian tới, vận hành dự án, truyền tải điện và phân phối.
Đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam với nhiều tiềm năng, sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước...
Chương trình tọa đàm ở phần 2 (trao đổi, thảo luận) sẽ là cơ hội mở để các thành viên tham dự cùng trao đổi, thảo luận.
Nguồn: Nguyễn Cảnh - theleader.vn