Nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 1/4 cho biết: Trong một báo cáo tính toán cập nhật cân đối cung cầu điện năm 2022 cho thấy, hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu điện tại khu vực miền Trung và miền Nam. Riêng đối với khu vực miền Bắc, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào một số thời điểm, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng cao điểm.
Nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.
Với tình hình thực tế của năm 2022, nguồn điện mới ở miền Bắc dự kiến vào vận hành rất ít, các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500 kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống.
Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện do nhiều tổ máy nhiệt điện than phải dừng và giảm phát.
Ngoài ra, thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới làm nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.
Hệ thống miền Bắc còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (các tháng 5, 6, 7).
Tại một báo cáo gần đây về tình hình cung cấp điện giai đoạn 2022-2025, với tinh thần tìm mọi giải pháp khắc phục các khó khăn về cung cấp điện, nhất là ở khu vực miền Bắc, EVN đã báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành đề xuất một số giải pháp đồng bộ. Trong đó, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở khu vực miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện.
Trong đó đến năm 2025 đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500 MW các nguồn điện NLTT (gồm 4.000 MW điện gió và khoảng 1.500 MW điện mặt trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm tối).
Đồng thời, EVN đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới).
Riêng về điện gió ngoài khơi, EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét bổ sung quy hoạch và chấp thuận của trương cho phép EVN triển khai đầu tư điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ để tăng cường nguồn cấp điện khu vực phía Bắc và kết hợp đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo Lương Bằng - Vietnamnet.vn