VSEA kiến nghị Chính phủ nên ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp cải cách ngành điện và đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Cần đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh để thúc đẩy phát triển điện mặt trời.
Đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, họ đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.
Theo VSEA, các dự báo và khuyến nghị mới nhất của các Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều chỉ ra rằng, điện mặt trời (ĐMT) sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới, mức bổ sung hàng năm là 630GW, gấp bốn lần năm 2020.
Riêng Việt Nam có tiềm năng ĐMT phân tán và kết hợp rất lớn. Đây cũng là loại hình huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy phân cấp phân quyền.
Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII định hướng chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới – con số rất nhỏ so với tiềm năng.
Do đó, VSEA cho rằng, cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh loại hình này thay vì kìm hãm bởi nó sẽ đi ngược với xu thế thế giới, lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư dồi dào từ xã hội.
Về truyền tải, theo VSEA, cần ban hành chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước.
Riêng khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách để đảm bảo an ninh hệ thống.
Song song, cần đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh từ việc cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành Thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023.
Từ đó, đẩy nhanh tái cấu trúc đơn vị điều độ hệ thống và thị trường quốc gia (NSMO) phù hợp với mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023...
Nhiệt điện than đang mắc kẹt
VSEA cũng cho biết, nhiều ý kiến kiến nghị kiên quyết loại bỏ các dự án điện than không được địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp, và rủi ro cao ra khỏi quy hoạch được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Những đột phá kì vọng” do VSEA vừa tổ chức ngày 31/5/2021.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), kiêm Chủ tịch VSEA cho rằng, tiếp tục phát triển điện than có thể gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế.
Đó là, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế, bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước bị đánh thuế các bon, gây áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong nước…
Còn Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc trung tâm Môi trường sức khỏe CHIRAD đã chỉ ra các tác động của nhiệt điện than với sức khỏe với minh chứng cụ thể qua một nghiên cứu mẫu nhỏ tại vùng ven Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong do ung thư, tai biến và đột quỵ ở khu vực gần trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tăng lên rất nhanh từ khi trung tâm này đi vào vận hành. Tình trạng này càng đáng báo động hơn khi ô nhiễm không khí có mối liên quan mật thiết tới gia tăng nguy cơ mắc/tử vong do Covid 19.
Trong khi, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ ra vấn đề: Nhiều nhà đầu tư nhiệt điện than đang mắc kẹt về vốn, tài sản và những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Theo ông Hoè, hiện có tới 17 dự án nhiệt điện than quy hoạch tại 11 tỉnh với tổng công suất là 20.700 MW xác định đưa vận hành sau 2025, thế nhưng đang chậm tiến độ đã nhiều năm do tiền vốn không thu xếp được, mặt khác chính quyền địa phương cũng không ủng hộ.
Tính toán yêu cầu về tiền vốn suất đầu tư cho điện than khoảng 2 triệu USD/1MW. Như vậy, với 20.700MW sẽ cần tới 41,400 tỷ USD (bình quân mỗi nhà máy cần 2,43 tỷ USD tương đương 55.890 tỷ đồng).
Trong khi, các ngân hàng thương mại có vốn tự có lớn nhất khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Kể cả nhà máy nhiệt điện than công suất nhỏ nhất 650MW cũng đầu tư 1,3 tỷ USD, đều vượt xa mức 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Nguồn: baogiaothong.vn