Tin tức

07

06-2021

Hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nhưng không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện.

_image

Nguồn năng lượng tái tạo đang được gấp rút đưa vào sản xuất.

Theo đó, Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 3 theo đề xuất của Bộ Công Thương trình ngày 27/5. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký (2/6).

“Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất”, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Công Thương được ban hành mới đây đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Năm 2020, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đã có 2 đợt giảm giá điện, tiền điện với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 12.300 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 thực hiện từ ngày 16/4 - 16/7, việc giảm giá điện, giảm tiền điện được áp dụng cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng, tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng.

Đợt 2 thực hiện từ tháng 10 - 12/2020, hỗ trợ giảm cho khoảng 25,4 triệu khách hàng, số tiền hỗ trợ khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.

Cũng theo Bộ Công thương, trong lần chỉ đạo này Bộ sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, phụ tải điện toàn quốc ngày 31/5 đã ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay, với công suất đỉnh là 41.549 MW và sản lượng điện là 850,3 triệu kWh.

Ở khu vực miền Bắc và Thành phố Hà Nội, mức độ tiêu thụ điện ngày 31/5 cũng ghi nhận những con số cao kỷ lục. Cả miền Bắc (bao gồm Thành phố Hà Nội), công suất đỉnh là 17.526 MW và sản lượng điện là 360 triệu kWh, riêng Thành phố Hà Nội công suất đỉnh là 4.530 MW và sản lượng điện là 90,3 triệu kWh.

Nguồn: Theo Lê Mỹ - Baoxaydung.com

 

Quay lại