Tin tức

12

10-2024

Chính thức phê duyệt khung giá điện gió và thủy điện nhập khẩu từ Lào

Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, áp dụng từ ngày 31/12/2025.

Bộ Công Thương đã chính thức ban hành quyết định số 2647/QĐ-BCT phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 31/12/2025. Quyết định này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài ký vào ngày 8/10, quy định mức giá nhập khẩu điện cho hai loại hình nhà máy: Thủy điện và điện gió.

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, áp dụng từ ngày 31/12/2025.

Cụ thể, mức giá tối đa cho điện nhập khẩu từ các nhà máy thủy điện là 6,78 cent/kWh (khoảng 1.683 đồng/kWh), trong khi mức giá tối đa cho điện gió là 6,4 cent/kWh (tương đương 1.589 đồng/kWh). Khung giá này sẽ áp dụng cho các nhà máy vận hành thương mại trong giai đoạn từ 31/12/2025 đến 31/12/2030.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ dựa trên khung giá này để đàm phán mua bán điện với các đơn vị phát điện, tuân thủ nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và theo cơ chế thị trường, giá thị trường. Đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tối đa chi phí phát điện, cạnh tranh so với giá điện Việt Nam. EVN cũng được giao nhiệm vụ theo dõi các biến động về giá để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương.

Trước đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tính toán khung giá phát điện nhập khẩu từ Lào, giao cho Công ty Mua bán điện (EPTC) thực hiện nhiệm vụ này. EPTC đề xuất mức giá tối đa cho các dự án điện gió nhập khẩu từ Lào là 5,51 cent/kWh, tính đến tỉ lệ giảm suất đầu tư hàng năm.

Theo báo cáo của EVN, khung giá nhập khẩu điện từ Lào được điều chỉnh, với giá trần mua thủy điện là 6,78 cent/kWh và điện gió là 6,4 cent/kWh, giảm so với mức 6,95 cent/kWh trước đây.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2025 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn cung, giúp tăng cường khả năng đảm bảo cung ứng điện và giảm nguy cơ thiếu điện cho khu vực miền Bắc. Theo tính toán của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, phương án đấu nối về Trạm biến áp (TBA) 220kV Đô Lương sẽ giúp giải tỏa công suất từ dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn.

EVN cũng cho biết, giá thành điện gió nhập khẩu từ Lào có tính cạnh tranh cao hơn nhiều so với các nguồn điện gió trong nước. Cụ thể, điện gió trong nước được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 có mức giá FIT 9,8 cent/kWh (hơn 2.380 đồng/kWh) kéo dài trong 20 năm. Mức giá nhập khẩu từ Lào, dù cao hơn nguồn điện gió chuyển tiếp vừa qua (1.587 đồng/kWh), nhưng lại giúp Việt Nam tiết kiệm vốn đầu tư ban đầu và không phải triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong nước.

Theo EVN, việc nhập khẩu điện từ Lào cũng tuân theo Biên bản ghi nhớ ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ngày 5/10/2016. Đến năm 2025, quy mô công suất nhập khẩu dự kiến đạt 3.000 MW và sẽ tăng lên 5.000 MW vào năm 2030, phù hợp với Quy hoạch điện VIII. Đến năm 2050, Việt Nam có thể nhập khẩu khoảng 11.000 MW điện từ Lào, sản xuất 37 tỷ kWh.

Tuy nhiên, theo dự kiến, tổng công suất nguồn điện từ Lào có thể nhập khẩu và đưa vào vận hành đến năm 2025 chỉ đạt khoảng 1.977 MW.

Nguồn: ERAV- Cục điều tiết Điện lực (https://erav.vn/tin-tuc/t57421/chinh-thuc-phe-duyet-khung-gia-dien-gio-va-thuy-dien-nhap-khau-tu-lao.html)

Quay lại