Tin tức

08

07-2021

Bloomberg: Hàn Quốc rút ngắn thời gian lắp tháp gió ngoài khơi chỉ trong vài ngày, vậy Việt Nam và các nước trong khu vự

Bloomberg đưa tin, việc lắp đặt một tháp gió ngoài khơi có kích thước tương đương như tượng đài Washington ngày càng trở nên nhanh và rẻ. Tại Hàn Quốc, thời gian xây dựng và lắp đặt một tuabin ngoài khơi đã được giảm đáng kể, từ 3 tháng xuống chỉ còn vài ngày.

136_21-1

Kết quả trên là nhờ sự kết hợp giữa tàu đáy phẳng để giữ cấu trúc tuabin và áp dụng phương pháp "bucket suction" nhằm gắn kết lại. Những sáng kiến mới ước tính có thể cắt giảm 3 triệu USD từ quá trình này.

"Bucket suction" là phương pháp thay thế cho việc đóng cọc sâu vào lòng đất truyền thống. Giải pháp này giúp giảm khối lượng vật liệu dùng để xây dựng chân đế và cọc, giảm thời gian lắp đặt các tháp gió ngoài khơi, từ đó sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, Ngoài ra, giải pháp "bucket suction" còn giúp việc tháo dỡ dễ dàng, chi phí thấp. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của địa chất công trình ngoài khơi.

_5

Một tuabin gió đứng trên con tàu đáy phẳng MMB của KEPCO, khánh thành ở Gunsan vào ngày 7/7. Ảnh: SeongJoon Cho/ Bloomberg

Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) vừa qua đã thông báo về sự ra mắt của con tàu đầu tiên có thể vận chuyển một tháp gió hoàn chỉnh. Cụ thể, một cần trục trên còn tàu 1.500 tấn, được gọi là bệ di động đa năng (MMB), đã nâng được tháp gió cao 140m gần cảng Gusan phía tây.

Giám đốc điều hành KEPCO, ông Cheong Seung-il nhấn mạnh: "Thông qua việc sử dụng công nghệ MMB, Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050, đóng góp đáng kể cho ngành năng lượng gió, lĩnh vực cốt lõi trong quá trình chuyển đổi quốc gia".

Theo BloombergNEF, những đổi mới nhằm cắt giảm chi phí và thời gian lắp đặt hứa hẹn sẽ giúp thúc đẩy ngành năng lượng gió ngoài khơi toàn cầu, vốn đã được dự báo sẽ tăng công suất gấp 11 lần vào năm 2035.

Lượng lắp đặt hàng năm dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 11 GW trong năm nay, và đạt 32,5 GW vào cuối thập kỷ này, khi các quốc gia bổ sung thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo, cũng như dần loại bỏ nhiên liệu hoá thạch và hạn chế phát thải carbon.

Trong báo cáo tháng trước, BNEF nêu rõ, Trung Quốc và các thị trường trên khắp châu Á như Nhật Bản, Việt Nam... sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của loại năng lượng này. Đặc biệt, theo đánh giá của các tổ chức trên thể giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW (Cơ quan Năng lượng Đan Mạch) đến gần 500 GW (Ngân hàng Thế giới).

Theo Dự thảo quy hoạch điện VIII, tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm đến gần 30% tổng nguồn điện đến năm 2030. Tuy nhiên, đối với điện gió ngoài khơi theo kịch bản cơ sở thì đến năm 2030 công suất lắp đặt chỉ chiếm tỷ lệ 1,45% (2GW/137,662 GW) và đối với kịch bản cao là 2% (3GW/147,552GW).

Hàn Quốc đang tìm cách bổ sung thêm 12 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Con số này hiện nay đang ở mức dưới 0,2 GW. Hàn Quốc đã có nhà máy điện thủy triều ở hồ Sihwa, với công suất 254 MW. Đây là công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng mới công bố kế hoạch xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, với tổng mức đầu tư 32 tỷ USD theo hình thức công - tư.

KEPCO hiện đang rút ngắn thời gian xây dựng và lắp đặt một tuabin gió ngoài khơi từ 90 ngày xuống còn 7 ngày, sau đó nhờ công nghệ MMB để vận chuyển tháp gió ra ngoài khơi. Việc vận chuyển toàn bộ tháp gió sẽ giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí hơn so với việc phải thực hiện nhiều chuyến đi để vận chuyển từng bộ phận.

Đáng chú ý, quy trình mới sẽ làm giảm 43% chi phí lắp đặt tuabin 5 MW, tương đương 3,3 triệu USD. Như vậy, thời gian để lắp đặt một tuabin ngoài khơi đang dần giảm, với tốc độ nhanh gấp đôi so với 10 năm trước. Tại Hoa Kỳ, Bộ Năng lượng và các đối tác bao gồm Đại học Delaware cũng đã thúc đẩy việc xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi sử dụng công nghệ "bucket suction".

Nguồn: Hà Trần - theo doanh nghiệp và tiếp thị

 

Quay lại